ĐỒ ĂN NGÀY TẾT CÒN DƯ LÀM GÌ ĐỂ KHÔNG LÃNG PHÍ?

Sau những ngày Tết, nhiều gia đình thường gặp phải tình trạng đồ ăn còn dư thừa, nếu bỏ đi thì lãng phí nhưng giữ lại thì không biết phải làm gì? Vậy hãy cùng Nam Sài Gòn Food bỏ túi ngay một số mẹo hữu ích hô biến thức ăn thừa ngày tết thành những món ngon hấp dẫn để không lãng phí đồ ăn nhé!

1. Biến tấu Bánh Chưng, Bánh Tét còn dư thành món ăn mới để không lãng phí đồ ăn

Bánh Chưng, Bánh Tét chiên giòn dùng để ăn sáng hoặc ăn xế rất phù hợp

Bánh Chưng, Bánh Tét được xem là món ăn cổ truyền ngày Tết không thể thiếu và luôn là thức ăn còn thừa nhiều sau mỗi dịp Tết. Cách đơn giản nhất để đổi mới món ăn này chính là cắt thành từng miếng nhỏ sau đó đem chiên giòn, ăn kèm với ít đồ chua, dưa kiệu.

Nhiều gia đình đã dùng món ăn được biến tấu lại này cho bữa sáng, vừa no bụng lại tránh lãng phí đồ ăn thừa.

2. Mẹo xử lý các món ăn mặn tránh lãng phí đồ ăn thừa ngày Tết

- Thịt gà: Các gia đình thường chuẩn bị gà để cúng tổ tiên, ông bà. Do đó việc dư thừa thịt gà sau Tết là không thể tránh khỏi. Tuy vậy, thịt gà lại rất dễ chế biến thành nhiều món ăn ngon khác mà bạn có thể thử như nấu bún măng, nấu miến, súp, xé phay trộn gỏi nộm… ăn nhẹ bụng lại rất ngon miệng

Thịt gà còn thừa ngày Tết có thể nấu súp làm bữa ăn sáng đầy dinh dưỡng

- Thịt lợn: Thịt lợn luộc có thể cắt nhỏ xào thập cẩm, nấu bún, phở... hoặc làm chà bông (ruốc), giò thủ, nem chua…

- Giò lụa: Hấu hết nhà nào cũng dư thừa giò lụa sau Tết. Ăn không thì đơn điệu, thay vào đó bạn có thể ăn kèm với bánh chưng, bánh tét, bánh mì hoặc thái mỏng rồi đem chiên giòn đổi vị mới lạ hơn cho món giò lụa.

- Hải sản: Ngoài các loại thịt, một số gia đình cũng chuẩn bị khá nhiều hải sản để đãi khách vào dịp Tết. Phần hải sản còn dư có thể hấp với nước dừa, hấp bia, nướng, xào hoặc làm gỏi, nấu lẩu…

3. Mẹo xử lý đồ ăn chay và rau củ quả còn thừa ngày Tết

- Đậu hủ: Ngoài cách chiên (rán) thông thường, bạn có thể dùng đậu hủ như một nguyên liệu chính để nấu thành các món ăn như kho tiêu, kho nước tương, nấu canh hoặc có thể cắt sợi chiên thật giòn rồi trộn gỏi chua ngọt.

Bảo quản thực phẩm muối chua trong hộp kín

- Dưa chua, kim chi: Đây là những loại thực phẩm được muối chua, để càng lâu sẽ càng chua. Do đó, bạn nên rửa sạch với nước lọc, vắt khô, cho vào hộp kín và để bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Khi dùng, trộn thêm một chút đường để cân bằng vị cho món ăn.

- Nấm và các loại rau củ: Nấm và những loại rau củ cần nấu chín có thể xào, luộc, nấu canh… những loại rau ăn trực tiếp có thể làm salad, gỏi cuốn…

Trái cây còn thừa ngày Tết có thể làm kem mát lạnh

- Trái cây: Ngoài trái cây mua về dùng, nhiều gia đình còn được biếu tặng trái cây vào dịp Tết. Vì vậy trái cây còn thừa sau Tết khá nhiều, nếu không ăn nhanh thì rất dễ hỏng. Để tạo thêm sự hấp dẫn, bạn có thể tận dụng các loại trái cây có sẵn trong nhà biến tấu thành các món thanh mát, dễ ăn như rau câu, kem, xay sinh tố…

4. Xử lý thực phẩm khô còn thừa ngày Tết

Các loại thực phẩm khô như khô bò, khô gà, cá khô, mực khô... bạn nên bọc kín chúng lại bằng giấy bạc hoặc giấy báo. Sau đó, cho vào hộp nhựa hoặc túi nhựa bịt kín miệng rồi mới cho vào ngăn mát của tủ lạnh, như vậy sẽ giữ thực phẩm khô được lâu và hạn chế tình trạng bị nấm mốc, hư hỏng.

5. Một số mẹo khác

• Bảo quản đồ ăn đúng cách: Phân loại các nhóm thực phẩm để bảo quản trong tủ lạnh hoặc tủ đông để giữ được độ tươi ngon.

• Chia sẻ đồ ăn cho người khác: Nếu bạn không thể sử dụng hết đồ ăn, hãy chia sẻ cho người thân, bạn bè hoặc những người có hoàn cảnh khó khăn.

Lãng phí đồ ăn là một vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Hy vọng với những mẹo Nam Sài Gòn Food vừa chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn sử dụng hết đồ ăn thừa ngày Tết một cách hiệu quả và không lãng phí. Hãy cùng chung tay để hạn chế lãng phí đồ ăn, góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng một xã hội văn minh.